Lịch sử khí tượng Bão_Zeb_(1998)

Biểu đồ thể hiện đường đi của bão; những dấu chấm màu đại diện cho vị trí bão và cường độ của nó trong thời gian sáu tiếng.
Thang bão Saffir-Simpson
ATNĐBNĐC1C2C3C4C5

Vào ngày 7 tháng 10, một rãnh gió mùa đã sản sinh ra một vùng nhiễu động nhiệt đới trên Tây Bắc Thái Bình Dương, khu vực nằm về phía Đông Guam. Ban đầu hệ thống di chuyển ổn định về phía Tây, dần tổ chức và đến sáng sớm ngày mùng 9 Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) đã ban hành một Cảnh báo về sự hình thành của xoáy thuận nhiệt đới. Sau khi vùng nhiễu động di chuyển qua khu vực phía Nam Guam, JTWC bắt đầu đưa ra những thông báo về áp thấp nhiệt đới 18W từ cuối ngày mùng 9.[1] Sang ngày hôm sau, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cũng phân loại hệ thống là áp thấp nhiệt đới.[2] Vào thời điểm áp thấp nhiệt đới di chuyển qua khu vực phía Bắc Yap, JTWC nhận định nó đã mạnh lên thành bão nhiệt đới và họ đặt tên cho cơn bão là Zeb.[1] Tuy nhiên, JMA một lần nữa trì hoãn trong việc nâng cấp hệ thống.[2]

Sau khi đạt cấp độ bão nhiệt đới, Zeb tăng cường một cách đều đặn. Bên cạnh đó, dòng thổi vào rộng lớn của Zeb đã sản sinh ra một hoàn lưu ở phía Đông - Đông Bắc, và hoàn lưu này đã phát triển thành một cơn bão nhiệt đới riêng biệt, bão Alex.[1] Trong sáng sớm ngày 11, Zeb tiến vào khu vực theo dõi của Philippines, thúc đẩy Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) theo dõi cơn bão và đặt cho nó một cái tên địa phương là Iliang.[3] Đến cuối ngày 11 tháng 10, JTWC nâng cấp Zeb lên thành bão cuồng phong,[1] bởi một cấu trúc mắt bão kết hợp những dải mây mưa xuất hiện trên ảnh vệ tinh.[4] Vào ngày 12 tháng 10, cơn bão tăng cường nhanh chóng khi dần chuyển hướng Tây - Tây Bắc hướng đến Philippines. Trong khoảng thời gian đó, Zeb đã làm tăng độ đứt gió lên cơn bão nhỏ Alex ở phía Đông - Đông Bắc, khiến nó suy yếu và cuối cùng đi đến bị hấp thụ. Vào lúc 00:00 UTC ngày 13 tháng 10, JTWC nâng cấp Zeb lên thành siêu bão, với sức gió ước tính 260 km/giờ (160 dặm/giờ). 12 tiếng sau, cơ quan này nhận định Zeb đã mạnh thêm với sức gió tăng lên 285 km/giờ (180 dặm/giờ), khiến nó trở thành cơn bão mạnh nhất của mùa bão.[1] Cùng lúc, PAGASA ước tính vận tốc gió tối đa duy trì 10 phút đạt 240 km/giờ (150 dặm/giờ), và tổ chức này cũng phân loại Zeb là siêu bão.[5] Đến cuối ngày 13, JMA nhận định vận tốc gió duy trì 10 phút tối đa của Zeb là 205 km/giờ (125 km/giờ), khi đó cơn bão nằm về phía Đông Luzon.[2] Lúc gần mạnh nhất, JTWC ước tính vùng có gió từ 185 km/giờ (115 dặm/giờ) trở lên mở rộng ra 95 km (60 dặm) từ tâm bão, và trường gió mạnh (khoảng 65 km/giờ trở lên) trải rộng một vùng có bán kính 465 km (290 dặm).[4]

Vào sáng sớm ngày 14 tháng 10, Zeb đổ bộ lên Đông Luzon, ngay phía Nam vịnh Palanan, và phía Đông Ilagan, với cường độ tối đa. Sau đó, cơn bão suy yếu nhanh chóng trên đất liền rồi chuyển hướng lên phía Bắc, di chuyển quanh rìa một áp cao cận nhiệt ở phía Đông.[1][4] Tiếp theo, Zeb tiến vào eo biển Luzon với một cấu trúc rời rạc,[6] và nó đã không thể tăng cường trở lại. Vào cuối ngày 15, Zeb di chuyển dọc theo đường bờ biển phía Đông Đài Loan, chỉ cách đất liền 19 km (11 dặm) trước khi tăng tốc về phía Đông Bắc.[1][4] Sang ngày 16, JMA giáng cấp Zeb xuống thành bão nhiệt đới,[2] dù vậy JTWC vẫn giữ cơn bão ở cấp độ cuồng phong.[1] Sau khi vượt qua Đài Loan, một số điều kiện trên tầng cao thuận lợi đã cho phép cơn bão mạnh lên trong một thời gian ngắn, trước khi quá trình suy yếu mới tiếp tục khi Zeb tăng tốc hướng đến Nhật Bản.[4] Vào lúc 07:00 UTC ngày 17, Zeb đổ bộ vào tỉnh Kagoshima, Nam Kyushu. Sau đó hệ thống tiếp tục di chuyển theo hướng Đông Bắc, tấn công tỉnh Kōchi thuộc đảo Shikoku rồi vượt qua miền Trung đảo Honshu với cường độ bão nhiệt đới.[2] Cơn bão đã mất đi những đặc điểm của một hệ thống nhiệt đới khi nó nhanh chóng tiến vào biển Nhật Bản.[1] Tại thời điểm 00:00 UTC ngày 18, JMA tuyên bố Zeb là một hệ thống ngoại nhiệt đới, ngay trước khi nó đổ bộ vào Bắc Hokkaido rồi tiến ra biển Okhotsk. Những tàn dư của Zeb đã di chuyển qua vùng Nam bán đảo Kamchatka rồi tiếp tục hướng về phía Đông tiến ra ngoài vùng biển Bắc Thái Bình Dương. Hệ thống được JMA ghi nhận lần cuối cùng trong sáng sớm ngày 20 tháng 10.[2]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bão_Zeb_(1998) http://www.emdat.be/ http://australiasevereweather.com/cyclones/1999/su... http://baseportal.com/cgi-bin/baseportal.pl?htx=/m... http://articles.chicagotribune.com/1998-10-18/news... http://www.gmanetwork.com/news/story/173677/news/n... http://www.highbeam.com/doc/1G1-60695218.html http://www.mapfre.com/ccm/content/documentos/mapfr... http://www.hko.gov.hk/publica/tc/tc1998.pdf http://unfccc.int/resource/docs/natc/phlnc2.pdf http://rwes.dpri.kyoto-u.ac.jp/~tanaka/APHW/APHW20...